CHĂM SÓC SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG
Bạn thắc mắc không biết chăm sóc răng như thế nào để có một hàm răng chắc khoẻ?
Ai cũng mong muốn có hàm răng đẹp, nụ cười trắng sáng, hơi thở thơm mát một hàm răng chắc khỏe. Việc phải chỉnh nha hay trồng răng là điều bất đắc dĩ không ai mong muốn
Sau đây là nhưng lời khuyên dành cho bạn khi muốn có một hàm răng đẹp, trắng sáng.
1. Đánh răng thường xuyên làm cho răng chắc khỏe
Việc làm này không chỉ có lợi cho răng mà còn tiêu diệt các chất gây viêm nhiễm răng lợi. Viêm nhiễm răng lợi là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những chất bựa bám ở răng từ thức ăn còn sót lại, gây viêm nhiễm, rất có hại cho các thành mạch máu.
2. Có nên đánh răng ngay sau bữa ăn?
Nhiều nghiên cứu phát hiện cho thấy việc đánh răng ngay sau bữa ăn là chưa khoa học. Lý do, các loại thực phẩm hoa quả có chứa acid như nho, nước uống có gas, nước hoa quả, hoặc các vi khuẩn từ thức ăn sẽ làm mềm lớp ngoài của răng. Nếu đánh răng ngay sau khi ăn sẽ không tốt cho răng. Riêng ăn kẹo, đồ ngọt thì cần đánh răng ngay.
3. Đánh răng, chà răng có làm mất đi mùi hôi hơi thở?
Cách này có thể làm mất đi những bựa thức ăn bám quanh răng và các loại vi khuẩn làm ổ gây sâu răng, làm cho hơi thở không có mùi. Tuy nhiên, hơi thở nặng mùi còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như bệnh của mũi, họng, phổi, dạ dày.
4. Răng xỉn có phải do sức khỏe răng kém?
Màu sắc của răng ít liên quan đến sức khỏe và tuổi thọ của răng. Đây là yếu tố có liên quan đến di truyền giống như màu tóc, màu mắt. Để làm trắng răng, một số người đã sử dụng các thuốc làm trắng răng. Tuy nhiên, việc làm này phải được sự chỉ dẫn của thày thuốc chuyên khoa răng.
5. Vì sao có hiện tượng chảy máu khi đánh răng?
Lần đầu đánh răng hoặc đánh răng không đúng cách, hoặc bàn chải mới dùng quá cứng có thể gây chảy máu răng. Nếu bàn chải quá cứng hoặc đánh răng không đúng quy cách bạn sẽ phải điều chỉnh cho thích hợp. Nếu không vì những lý do trên mà vẫn chảy máu kéo dài bạn nên đi gặp bác sĩ nha khoa.
6. Ngậm vật lạnh khi đau răng có lợi hay hại?
Một số người khi bị đau răng thường có thói quen ngậm những vật lạnh như nước đá để giảm đau, nhưng làm như vậy mặt bị sưng lên. Tốt nhất khi đau răng bạn nên đi khám bác sĩ vì khi mạch máu sưng sẽ làm tăng chứng viêm nhiễm.
7. Uống nước hoa quả, giải khát chứa gas có ảnh hưởng đến răng?
Những loại nước có gas có chứa nhiều đường sẽ gặm mòn răng, đặc biệt là acid trong các loại nước hoa quả sẽ vô hiệu hóa men răng, giúp vi khuẩn làm ổ, nhất là khi lạm dụng đồ uống có quá nhiều đường và uống vào thời điểm trước khi đi ngủ.
8. Ăn một chút chocolate có lợi cho răng?
Thỉnh thoảng ăn một chút sôcôla có tác dụng tốt cho răng vì trong chocolate có chứa một hợp chất có tác dụng bảo vệ răng. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều chocolate mà không vệ sinh răng lợi tốt sẽ gây hại cho răng vì đây là thứ thực phẩm có chứa đường.
Lạm dụng quá nhiều đồ ngọt sẽ khiến răng bị hao mòn và dễ tổn thương.
9. Đánh răng không có nghĩa đã diệt hết khuẩn
Sau khi đánh răng vẫn còn những mảng thức ăn sót lại bám ở góc cạnh răng mà bàn chải không tiếp xúc được. Bởi vậy, sau khi đánh răng nên súc miệng bằng nước muối, hoặc các loại nước súc miệng có bán trên thị trường để loại bỏ vi khuẩn gây hại cho răng lợi.
10. Răng lợi tốt là do vệ sinh tốt
Hàm răng đều, đẹp một phần do yếu tố di truyền, nhưng hầu hết những người có răng lợi tốt là do vệ sinh răng miệng thường xuyên và đa số những người răng bị hỏng là do ăn quá nhiều đường, nhất là khi còn ít tuổi. Vì vậy, trẻ em nếu được vệ sinh răng miệng tốt, khi trưởng thành hàm răng sẽ phát triển tốt, ít mắc các bệnh về răng.
11. Đánh răng quá nhiều có tốt không?
Đánh răng quá nhiều, quá nhanh, quá mạnh nhiều khi còn gây chảy máu. Vì vậy, nên đánh đúng quy cách, mỗi ngày 2 lần và dùng bàn chải có lông mềm, đầu tròn đánh răng sẽ tốt hơn loại bàn chải lông cứng.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến các vấn đề răng miệng, hãy liên hệ ngay với Nha Khoa Quốc Tế Khắc Ghi để được giải đáp chi tiết.
*****
6 nguyên tắc chăm sóc răng miệng cho trẻ
Chăm sóc răng miệng của trẻ đúng cách ngay từ đầu và sau đó dạy cho trẻ biết tự chăm sóc, vệ sinh răng miệng.Nhiều người Việt chưa biết cách đánh răng / Phần đông học sinh chưa biết chăm sóc răng miệng.
1. Cho bé làm quen với việc làm sạch miệng trước khi bắt đầu mọc răng
Sau khi cho ăn, cần nhẹ nhàng lau sạch nướu răng của trẻ bằng khăn ẩm quấn quanh ngón tay.
2. Bắt đầu chăm sóc răng cho trẻ ngay khi mới bắt đầu mọc
Một điều chắc chắn là răng sữa sẽ không tồn tại mãi, tuy nhiên nó có tầm quan trọng như răng vĩnh viễn sẽ mọc sau này. Răng sữa sẽ giữ không gian mà răng vĩnh viễn cần để có thể mọc đúng vị trí, đồng thời cũng giúp trẻ có thể nói và ăn. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng sữa là rất cần thiết.
|
Cần dạy cho trẻ thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi còn bé. Ảnh minh họa: theautismangle |
3. Tìm kiếm những lỗ sâu răng
Dấu hiệu đầu tiên của sâu răng chính là răng ố màu. Cách tốt nhất để tránh sâu răng ở trẻ nhỏ là không bao giờ để bé đi ngủ với một chai sữa hoặc nước quả đang bú dở.
Nếu bé có thói quen đi ngủ khi đang bú bình thì sẽ không thể tẩy rửa răng của mình. Điều đó có nghĩa là những thức uống ngọt (sữa thường có chứa nhiều đường) đó sẽ bao phủ răng trẻ trong nhiều giờ đồng hồ. Nếu bé cần có bình mới ngủ yên được, bạn nên thử cho trẻ một bình chỉ chứa nước lọc.
4. Cho trẻ uống nước sau mỗi bữa ăn
Chỉ cần một ít nước sau mỗi bữa ăn cũng có thể rửa sạch răng cho bé, loại bỏ những thức ăn thừa trong miệng.
5. Đảm bảo cung cấp đủ flour cho trẻ
Ngoài việc sử dụng kem đánh răng có flour, trẻ nên được cung cấp flour thông qua cả nước uống. Flour vô cùng quan trọng trong việc phòng chống sâu răng và thường được thêm vào thành phần của các loại nước uống vì lý do này.
6. Đưa trẻ tới nha sĩ
Nhiều cha mẹ đánh đồng lần đi tới nha sĩ đầu tiên là khi đưa trẻ tới nhổ răng. Nên đưa trẻ tới nha sĩ khi bé được khoảng 3 tuổi, trừ khi trước đó cháu bị đau răng hoặc có các vấn đề về răng miệng cần đến gặp nha sĩ. Thậm chí chuyến đi đó chỉ là để trẻ ngồi trên ghế, há miệng to và được khen ngợi về việc đã làm tốt như thế nào trong việc tự chăm sóc răng miệng của mình.
*****
Nguy hiểm ít biết của vôi răng
Vôi răng và mảng bám vi khuẩn là thủ phạm gây bệnh nha chu. Mô nha chu bị suy yếu không thể giữ được răng.
Mô nha chu bao gồm nướu răng, xương ổ răng, xi măng quanh chân răng và dây chằng nha chu có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm. Vôi răng và mảng bám vi khuẩn là thủ phạm chính gây bệnh nha chu, làm mô nha chu viêm nhiễm và bị phá hủy, dẫn đến hậu quả cuối cùng là gây mất răng.
Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có tỷ lệ vôi răng cao nhất thế giới. Việc kiểm soát ngăn ngừa sự xuất hiện của vôi răng và loại bỏ vôi răng một khi chúng được hình thành là chìa khóa chính trong việc phòng ngừa bệnh nha chu.
|
Kiểm soát ngăn ngừa sự xuất hiện của vôi răng và loại bỏ vôi răng là chìa khóa chính trong việc phòng ngừa bệnh nha chu.
Vôi răng là gì?
Nếu vệ sinh sinh răng miệng không tốt, vi khuẩn trong miệng kết hợp với mảnh vụn thức ăn tạo thành một màng dính gọi là mảng bám răng. Mảng bám răng bám chặt vào răng và khi nào tồn tại đủ thời gian sẽ lắng đọng các chất khoáng trong nước bọt hình thành vôi răng. Chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ vôi răng nhờ vào dụng cụ chuyên dụng.
Tác hại của vôi răng
Vôi răng bám trên bề mặt răng gây mất thẩm mỹ, hôi miệng và cản trở việc vệ sinh răng miệng. Trên bề mặt vôi răng luôn có vi khuẩn. Vi khuẩn này lên men đường trong thức ăn tạo acid có thể làm hỏng men răng và gây sâu răng.
Vi khuẩn trong vôi răng gây kích thích và tổn tại đến nướu răng:
- Mức độ nhẹ là viêm nướu: nướu sưng, đỏ, chảy máu… Bệnh viêm nướu có thể phục hồi trở lại nếu như vôi răng được loại bỏ và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Nếu viêm nướu không được điều trị, vôi răng hình thành nhiều và tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến viêm nha chu. Khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phóng thích các hóa chất để chống lại với vi khuẩn và những sản phẩm của vi khuẩn. Kết quả của "quá trình đánh nhau" này là gây tổn hại xương và các mô nha chu có tác dụng nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm. Mô nha chu bị suy yếu, không thể giữ được răng, dẫn đến răng lung lay và hậu quả cuối cùng là bị mất răng.
- Các vi khuẩn trong bệnh nha chu cũng liên quan đến bệnh tim và một số bệnh toàn thân khác.
Phòng ngừa sự hình thành vôi răng
- Chải răng đúng cách với kem đánh răng có fluor.
- Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn còn sót ở vùng kẽ răng.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng thức ăn nhiều đường và bột.
- Không hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác có nhiều khả năng có cao răng.
- Một khi răng đã hình thành, chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ vôi răng. Nên kiểm tra răng định kì 3-6 tháng một lần.
*****
TÁC DỤNG KHI SỬ DỤNG CHỈ TƠ NHA KHOA
Đánh răng đúng phương pháp là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh sâu răng và bệnh nha chu cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh răng không mà bỏ qua việc kết hợp với việc sử dụng chỉ tơ nha khoa thì cũng chỉ làm sạch được 70% chất bẩn ở răng và nướu. Chỉ tơ nha khoa thường có hai dạng chính: dạng cuộn chỉ và dạng đoạn chỉ ngắn gắn trên một khung nhỏ.
Chỉ tơ có thể có sáp hoặc không có sáp, đường kính lớn hay nhỏ tùy theo nhu cầu sử dụng của người dùng.
Ngoài ra, người ta có thể thêm vào chỉ một hoặc nhiều chất như sodium fluoride, stannous fluoride, chất kháng sinh, kháng amip, chất ức chế sự lên men, chất chống ung thư, chlorexidine, triclosan, hương liệu... Chỉ tơ nha khoa thích hợp và tốt phải là loại chỉ dễ sử dụng và không gây chấn thương lên nướu răng. Khi dùng chỉ nha khoa, đừng lo lắng nếu có chảy một ít máu ở vùng nướu.
Đây là hiện tượng bình thường, nhất là trong trường hợp không sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên. Nếu dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, hiện tượng chảy máu sẽ ngày càng ít đi và sẽ biến mất sau một thời gian. Cần lưu ý việc chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa phải được thực hiện trên cả nướu và từng răng một cho cả hàm trên lẫn hàm dưới. Đặc biệt là ở các mặt xa răng hàm trong cùng vì nơi này thường bị bỏ sót khi đánh răng.
*****
Hỏi đáp về Nhổ răng
- Những trường hợp nào không thể nhổ răng được?
Các trường hợp không thể nhổ răng liền được có thể do bệnh lý toàn thân hay tại chỗ.
- Bệnh lý toàn thân: bao gồm bệnh lý về đông máu, bệnh tim mạch không kiểm soát, bệnh máu ác tính, bệnh tiểu đường không kiểm soát. Trong những trường hợp này nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và chỉ can thiệp khi bệnh lý bệnh nhân đã ổn định sau điều trị nội khoa.
- Bệnh lý tại chỗ: bao gồm những răng trong vùng đang điều trị xạ trị và bị nhiễm trùng cấp tính.
- Bệnh nhân đang mang thai có thể nhổ răng được không?
Thường nên hoãn can thiệp nhổ răng ở người đang mang thai nếu không khẩn cấp, thời điểm thuận tiện nhất để nhổ răng ở bệnh nhân mang thai là 3 tháng giữa của thai kỳ. Trong trường hợp hết sức cần thiết, nếu phải nhổ răng ở 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối của thai kỳ phải có ý kiến của bác sĩ sản khoa.
- Mỗi lần có thể nhổ được bao nhiêu răng cùng lúc?
Số răng nhổ ở mỗi lần tùy thuộc vào vị trí của các răng, tình trạng răng và sức khỏe của bệnh nhân, có thể nhổ 2 đến 3 răng kề nhau trong cùng một lần. Không nên nhổ cùng lúc các răng ở hai bên hàm vì làm trở ngại cho việc ăn uống của bệnh nhân.
- Có thể nhổ hàng loạt các răng trong cùng một lần không?
Đây là trường hợp nhổ răng hàng loạt, phương pháp này có thể áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt: nhổ toàn bộ các răng có chỉ định kết hợp với việc điều chỉnh xương hàm tạo nền tốt cho hàm giả sau này. Phương pháp này có ưu điểm là rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc và chịu đau một lần.
5. Có nên nhổ tất cả các răng ngầm chưa mọc trên cung hàm hay không?
Không nhất thiết phải nhổ tất cả các răng ngầm trên cung hàm khi chưa gây ra biến chứng. Mọt số trường hợp phải nhổ các răng ngầm theo yêu cầu của chuyên khoa chỉnh hình hay phục hình. Tuy nhiên, phải theo dõi định kỳ để phát hiện sớm các tiến triển bệnh lý nếu có.
6. Nhổ răng có gây tai biến gì đến thần kinh hay không?
Không, nhổ răng không làm ảnh hưởng đến thần kinh, trừ một số trường hợp tuy rất ít gặp như nhổ các răng hàm dưới đặc biệt là răng khôn có thể gây tê môi sau nhổ do vị trí chân răng ở sát với đường đi của dây thần kinh. Trường hợp này sẽ hồi phục dần theo thời gian.
7. Cần chăm sóc gì sau khi nhổ răng?
Cần cắn chặt gòn tại vị trí răng vừa nhổ ít nhất là 20 phút sau. Tuyệt đối không nên khạc nhổ, súc miệng nhất là với nước muối trong vòng 6 giờ sau khi nhổ. Ăn thức mềm và nguội ít nhất là 2 giờ sau khi nhổ, tránh nhai mạnh tại vị trí răng vừa nhổ. Không rờ tay hay dùng các vật dụng khác đụng vào vết thương. Tránh cắn môi, má, lưỡi khi còn tê. Trở lại tái khám tại cơ sở điều trị nha nếu tình trạng chảy máu không cải thiện hay gia tăng.
9. Có nên súc miệng hay ngậm nước muối sau nhổ răng để sát trùng vết thương hay không?
Sau khi nhổ răng, trong ổ răng sẽ có thành lập cục máu đông để ngăn cản chảy máu. Tuyệt đối không nên súc miệng, ngậm nước muối sau nhổ răng vì sẽ ngăn cản sự thành lập cục máu đông bít kín vết thương nhổ răng và làm bong cục máu đông đã hình thành trong ổ răng sau nhổ răng gây chảy máu sau nhổ răng.
10. Răng đang bị sưng, đau nhức dữ dội có nên nhổ liền được không?
Thông thường không nên nhổ răng trong những trường hợp như vậy vì việc gây tê sẽ kém hiệu quả, bệnh nhân bị đau nhiều khi nhổ và có nguy cơ tái phát nhiễm trùng. Nên có điều trị nội khoa trước (kháng sinh, giảm đau và giảm sưng) từ 1 – 3 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp có thể nhổ liền nhưng phải tuân theo một số yêu cầu nghiêm ngặt của bác sĩ.
11. Sau khi nhổ răng bao lâu mới có thể làm lại răng giả tại vị trí nhổ?
Thời gian tùy thuộc vào mức độ tiêu xương của từng người, trung bình là 1 tháng sau nhổ răng để xương ổ răng và nướu có thời gian lành thương ổn định.
12. Có cần uống thuốc cầm máu trước và sau khi nhổ răng hay không?
Thông thường sau nhổ răng chỉ cần dùng các biện pháp tại chỗ là có thể ngăn chặn chảy máu tại vị trí nhổ. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân có các bệnh toàn thân dễ gây chảy máu (bệnh huyết hữu, bệnh xơ gan…) có thể phải dùng kèm thuốc cầm máu trước và sau nhổ răng nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
13. Có nên nhịn đói trước khi nhổ răng hay không?
Tuyệt đối không để bụng đói khi nhổ răng vì bệnh nhân dễ bị mệt, xỉu khi gây tê do hạ đường huyết. Hơn nữa, bệnh nhân thường nhịn ăn sau khi nhổ do khó ăn nhai nên sẽ có một khoảng thời gian dài nhịn đói gây mất sức.
- QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG (19.05.2020)
- LỜI CAM KẾT CỦA CHÚNG TÔI (21.04.2019)
- TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH (03.04.2019)
- TẠI SAO PHẢI CẠO VÔI RĂNG ? (30.10.2018)
- TRÁM RĂNG THƯA THẨM MỸ (30.10.2018)
- CHỈNH NHA NIỀNG RĂNG (30.10.2018)
- BỌC RĂNG SỨ THẨM MỸ AN TOÀN (30.10.2018)
- GIỚI THIỆU NHA KHOA UY TÍN TẠI BIÊN HÒA (26.02.2018)
- TRUNG TÂM LABO NHA KHOA KHẮC GHI (26.02.2018)
- CƠ SỞ VẬT CHẤT (26.02.2018)